1

Trang chủ/ Văn Hóa - Xã hội

  05/08/2024     |  Lượt xem 12   

Quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình

Ngày 01/11/2023, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 76/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Theo đó, Nghị định này quy định chi tiết khoản 2 Điều 3; khoản 1 Điều 12; khoản 3 Điều 19; khoản 5 Điều 20; khoản 2 Điều 22; khoản 8 Điều 25; khoản 2 Điều 30; khoản 3 Điều 39; khoản 5 Điều 40; khoản 3 Điều 42 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình.

Nghị định nêu rõ quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Cụ thể: Tổng đài điện thoại quốc gia về phòng, chống bạo lực gia đình (tổng đài) sử dụng số điện thoại ngắn có 3 chữ số để tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Tổng đài hoạt động 24 giờ tất cả các ngày để tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, được Nhà nước bảo đảm nguồn lực hoạt động. Tổng đài thực hiện ghi âm tự động và chi trả phí viễn thông đối với tất cả các cuộc gọi đến, gọi đi.

Quy trình tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua Tổng đài: Người bị bạo lực gia đình hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi bạo lực gia đình thì gọi đến số điện thoại của Tổng đài để báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình. Người tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình qua số điện thoại của Tổng đài thực hiện ghi chép nội dung thông tin tiếp nhận, đồng thời thực hiện tư vấn tâm lý, cung cấp kỹ năng ứng phó với hành vi bạo lực gia đình. Ngay sau khi kết thúc việc tiếp nhận tin báo, tố giác hành vi bạo lực gia đình, người tiếp nhận phải thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình để giải quyết theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình.

Chủ tịch UBND cấp xã tiếp nhận thông báo, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình theo quy định. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì việc xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Theo nghị định, Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải kịp thời ngăn chặn, xử lý hành vi bạo lực gia đình theo thẩm quyền; đồng thời thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình mà người bị bạo lực gia đình là trẻ em thì xử lý theo quy định của pháp luật về trẻ em.

Ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình, địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình phải thông báo cho chủ tịch UBND cấp xã nơi được thông tin xảy ra hành vi bạo lực gia đình và theo khả năng của mình tham gia ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình, hỗ trợ, bảo vệ người bị bạo lực gia đình. Cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình để xác minh tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có yêu cầu. Cơ quan Công an, Đồn Biên phòng tiếp nhận tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm thông báo kết quả việc xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình khi có đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân báo tin, tố giác về hành vi bạo lực gia đình.

Biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Cụ thể: Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình: Bị áp dụng các biện pháp buộc chấm dứt hành vi bạo lực gia đình; yêu cầu người có hành vi bạo lực gia đình đến trụ sở Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra hành vi bạo lực gia đình; cấm tiếp xúc; giáo dục, hỗ trợ chuyển đổi hành vi bạo lực gia đình; góp ý, phê bình người có hành vi bạo lực gia đình trong cộng đồng dân cư; thực hiện công việc phục vụ cộng đồng theo quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i khoản 1 Điều 22 của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chi trả chi phí: Thuê phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, thuê luật sư, thuê người bảo vệ và các chi phí quy định tại điểm a khoản 1 Điều này cho người bị bạo lực gia đình. Việc chi trả theo quy định của pháp luật về tài chính; trường hợp pháp luật về tài chính chưa quy định thì thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế. Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam quy định tại điểm a khoản này thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người có hành vi bạo lực gia đình có trách nhiệm chi trả chi phí: Thuê phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại, thuê luật sư, thuê người bảo vệ và các chi phí quy định nêu trên cho người bị bạo lực gia đình. Việc chi trả theo quy định của pháp luật về tài chính; trường hợp pháp luật về tài chính chưa quy định thì thực hiện theo hóa đơn, chứng từ thực tế. Việc áp dụng đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam thực hiện tương tự như áp dụng đối với người Việt Nam, trừ trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có hành vi bạo lực gia đình hoặc bị bạo lực gia đình có quyền mời đại diện cơ quan, tổ chức mình đang làm việc hoặc người đại diện theo pháp luật cho mình tham gia quá trình thực hiện biện pháp nêu trên.

Người có thẩm quyền quyết định biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực gia đình và bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam có trách nhiệm theo dõi, quản lý, giám sát việc thực hiện biện pháp đối với người nước ngoài cư trú tại Việt Nam theo quy định nêu trên.

Nghị định cũng quy định việc bảo vệ, giữ bí mật thông tin khi tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về hành vi bạo lực gia đình:

Thông tin về người báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình và thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của người bị bạo lực gia đình được bảo vệ, giữ bí mật theo quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình và pháp luật có liên quan.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân: Khi công khai thông tin về người báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình thì phải được người báo tin, tố giác hành vi bạo lực gia đình đồng ý bằng văn bản theo Mẫu số 01 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; Khi công khai thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình của người bị bạo lực gia đình thì phải được người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình đồng ý bằng văn bản theo Mẫu số 02 của Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 25 tháng 12 năm 2023.

Nghị định số 08/2009/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bạo lực gia đình hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

 
Thông báo
Liên kết
Video Clip
Thời tiết
HƯNG YÊN WEATHER
Lượt Truy Cập
Số lượt truy cập : 42979