Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh hiện nay, yêu cầu đặt ra cho phát triển kinh tế – xã hội đất nước là phải phát triển nhanh và bền vững, không hi sinh tiến bộ, công bằng, an sinh xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; phát triển hài hòa giữa kinh tế với xã hội, văn hóa, môi trường. Do đó, cần tiếp tục kết hợp hài hòa, hợp lý hiệu quả sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại, giữa nội lực và ngoại lực, phát huy tối đa tiềm lực đất nước để phát triển…
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, thời gian qua, toàn ngành Ngoại giao luôn quán triệt và nhận thức sâu sắc, đầy đủ vị trí, tầm quan trọng chiến lược, nội dung cơ bản và định hướng công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bám sát tinh thần Chỉ thị số 15-CT/TW ngày 10/8/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030 (Chỉ thị số 15-CT/TW), Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Chỉ thị số 15-CT/TW, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngoại giao xác định, quán triệt ngoại giao kinh tế là nhiệm vụ cơ bản và trung tâm của các hoạt động đối ngoại; phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhiệm vụ và hoạt động ngoại giao kinh tế với phương châm quyết liệt, thực chất, hiệu quả và đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Qua đó, đóng góp thiết thực vào phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại hội nghị, ngành Ngoại giao cùng các bộ, ngành và doanh nghiệp đã đánh giá toàn diện, thực chất tình hình kinh tế thế giới; công tác ngoại giao kinh tế mà Việt Nam đã và đang triển khai, nhất là các nhiệm vụ đã đề ra trong chương trình hành động của Chính phủ về triển khai Chỉ thị số 15-CT/TW; làm rõ những mặt đã làm tốt, những việc còn làm chưa tốt, xác định rõ nguyên nhân, rút ra bài học, trên cơ sở đó đề xuất phương hướng, biện pháp cụ thể, nhất là các hướng đi và cách làm mới hiệu quả hơn để công tác ngoại giao kinh tế đóng góp tích cực hơn nữa vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đất nước năm 2024.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, trong thời gian tới, ngành Ngoại giao tiếp tục quyết liệt cụ thể hóa chủ trương xây dựng nền ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân, địa phương và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, đưa ngoại giao kinh tế thực sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho phát triển nhanh và bền vững đất nước; thúc đẩy thu hút vốn đầu tư FDI, phát triển thị trường xuất khẩu; thị trường du lịch, thị trường lao động; tập trung tổ chức tốt các chương trình đối ngoại của lãnh đạo cấp cao và hoạt động đối ngoại các cấp, đưa nội dung kinh tế tiếp tục trở thành một trọng tâm của các hoạt động đối ngoại; có chương trình, sản phẩm, dự án, kế hoạch cụ thể, có tính khả thi. Tập trung phát huy các động lực tăng trưởng truyền thống để mở rộng cơ hội xuất khẩu và thu hút đầu tư chất lượng cao; đẩy mạnh thu hút nguồn lực phục vụ cho thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới là tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi năng lượng; tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các chính sách ngoại giao kinh tế; đưa các hoạt động ngoại giao kinh tế gắn kết chặt chẽ với sự phát triển của địa phương, doanh nghiệp.