Thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm giúp người chấp hành xong án phạt tù ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, một số người chấp hành xong án phạt tù vẫn còn nhiều khó khăn do họ không thể tìm được việc làm, không có vốn để tự sản xuất, kinh doanh. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng tái phạm tội. Ngày 17/8/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù (Quyết định số 22), có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2023. Chính sách tín dụng ưu đãi đối với người chấp hành xong án phạt tù được đánh giá là một chính sách nhân văn và nhanh chóng đi vào cuộc sống.
Thực hiện Quyết định số 22 và chỉ đạo của UBND tỉnh, Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) Chi nhánh tỉnh kết hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương khẩn trương giải ngân vốn chương trình này tới các đối tượng thụ hưởng có nhu cầu. Đây là chương trình tín dụng mang ý nghĩa nhân văn, thiết thực tạo điều kiện cho những người hoàn lương có cơ hội học nghề, sản xuất, kinh doanh, tạo lập cuộc sống, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. Theo quy định, đối tượng vay vốn là: Người chấp hành xong án phạt tù bao gồm người chấp hành xong thời hạn chấp hành án phạt tù đã được cấp giấy chứng nhận chấp hành xong án phạt tù quy định tại Luật Thi hành án hình sự và người được đặc xá đã được cấp giấy chứng nhận đặc xá quy định tại Luật Đặc xá; cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh có sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù. Về điều kiện được vay vốn: Người chấp hành xong án phạt tù có nhu cầu vay vốn; có tên trong danh sách người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương, chấp hành tốt các quy định của pháp luật, không tham gia các tệ nạn xã hội, do Công an cấp xã lập và được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận. Thời gian kể từ khi chấp hành xong án phạt tù đến thời điểm vay vốn tối đa là 5 năm. Đối với vay vốn để đào tạo nghề: Mức vốn cho vay tối đa là 4 triệu đồng/tháng/người chấp hành xong án phạt tù. Đối với vay vốn để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm: Người chấp hành xong án phạt tù được vay tối đa là 100 triệu đồng/người; cơ sở sản xuất, kinh doanh: Mức vốn cho vay tối đa là 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng/người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh. Lãi suất cho vay bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo quy định theo từng thời kỳ (hiện nay là 6,6%/năm)
Vào một ngày đầu tháng 11/2023, chúng tôi cùng đoàn cán bộ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đến thăm gia đình anh Lê Đăng Ch., xã Minh Tân (Phù Cừ). Anh Ch. xúc động cho biết: Trước đây do suy nghĩ nông cạn, vi phạm pháp luật, nên bản thân từng đi tù. Sau khi mãn hạn tù trở về với cuộc sống đời thường, tôi quyết tâm bỏ lại quá khứ để chí thú làm ăn. Tuy nhiên, do không có nghề nghiệp, không có vốn sản xuất nên cuộc sống của tôi rất bấp bênh. Mới đây, nhờ công an và chính quyền địa phương giới thiệu, tôi được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện giải ngân cho vay 60 triệu đồng. Nguồn vốn này tôi dùng để đầu tư cải tạo ao nuôi cá. Tôi hy vọng phương án sản xuất này mang lại hiệu quả kinh tế, giúp tôi ổn định cuộc sống.
Để thực hiện hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi này, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với chính quyền và công an địa phương rà soát đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương không mắc tệ nạn xã hội, có nhu cầu vay vốn tạo việc làm ổn định tái hòa nhập cộng đồng để triển khai cho vay kịp thời, đúng quy định. Tính đến hết tháng 10/2023, toàn tỉnh có 13 trường hợp chấp hành xong án phạt tù được vay vốn ưu đãi với tổng số tiền giải ngân 1 tỷ đồng.
Để chính sách tín dụng trên phát huy hiệu quả trong thực tiễn, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông cần tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ để người chấp hành xong án phạt tù và cơ sở sản xuất, kinh doanh để họ chấp hành đúng cam kết khi vay vốn; sử dụng có hiệu quả vốn vay. Về phía Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hướng dẫn kịp thời đối với hộ vay này để họ có cách thức làm ăn, phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đồng thời tranh thủ các nguồn vốn của cấp trên, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách địa phương để giải ngân kịp thời cho các đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện được vay vốn sản xuất, kinh doanh, hoàn lương bền vững.
Minh Nghĩa - Báo Hưng Yên