Trong quá trình khám bệnh, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đã ghi nhận lo lắng của nhiều phụ huynh về tình trạng trẻ bị cộm mắt, ngứa mắt nhiều... Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, biện pháp thông thường nhất cho trẻ vẫn là sử dụng nước muối sinh lý. Trường hợp bị bội nhiễm vi khuẩn thì phải đi khám, theo đó, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc kháng sinh để nhỏ mắt.
"Tuyệt đối cấm không dùng các biện pháp chữa bệnh truyền miệng trên mạng, đặc biệt là việc nhỏ sữa mẹ vào mắt trẻ. Đây là điều rất nguy hiểm, bởi sữa mẹ có môi trường dinh dưỡng tốt nên dễ khiến vi khuẩn xâm nhập vào mắt trẻ. Do đó, nhỏ sữa vào mắt trẻ có thể gây viêm kết mạc mắt, thậm chí gây biên chứng gây viêm mắt, đưa các loại vi khuẩn độc vào mắt gây mù mắt", PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nhấn mạnh.
Dịch đau mắt đỏ đang lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước. Đau mắt là bệnh không hề mới, thường do virus, chủ yếu là virus Adeno gây ra. Tuy nhiên, dịch thời gian qua có diễn biến lan rộng, có nhiều gia đình cả người lớn và trẻ con đều bị lây nhiễm.
Trước diễn biến của dịch đau mắt đỏ, Bộ Y tế đánh giá dịch đang có xu hướng gia tăng tại một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM, Bến Tre, Cà Mau... Theo đó, Sở Y tế các địa phương cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các ổ dịch bệnh đau mắt đỏ trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn triển khai các biện pháp chống lây nhiễm tại nhà trẻ, trường học, cơ quan, xí nghiệp và cộng đồng.
Các cơ sở khám, chữa bệnh cần tổ chức tốt việc tư vấn, điều trị, thông báo kịp thời cho các đơn vị, địa phương có bệnh nhân để triển khai các biện pháp phòng bệnh; chuẩn bị đầy đủ không để thiếu thuốc và vật tư, hóa chất, thiết bị phòng chống dịch; tăng cường công tác kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện theo đúng quy định của Bộ Y tế.
Đặc biệt, khuyến cáo đưa người bệnh đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có biểu hiện nhạy cảm với ánh sáng, nhìn mờ, triệu chứng kéo dài hơn 1 tuần, nặng lên hoặc không cải thiện, mắt có mủ hoặc chất nhầy, sốt kèm đau nhức.
Để tăng cường các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ trong nhà trường, các cở sở phải thông báo ngay cho y tế địa phương khi phát hiện học sinh mắc bệnh. Các cơ sở giáo dục mầm non cần đảm bảo vệ sinh trường học, giáo viên hướng dẫn và giúp trẻ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, đảm bảo mỗi trẻ có một khăn mặt riêng, rửa mặt bằng nước sạch, rửa tay bằng nước sạch với xà phòng, không dùng tay dụi vào mắt.
Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho phụ huynh học sinh về các biện pháp phòng bệnh đau mắt đỏ; phối hợp cha mẹ đưa trẻ đi khám chuyên khoa mắt để có cách dùng thuốc phù hợp.
Để chủ động phòng, chống bệnh đau mắt đỏ, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp sau:
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng nước sạch; không đưa tay lên dụi mắt, mũi, miệng; không dùng chung vật dụng cá nhân như: lọ thuốc nhỏ mắt, khăn mặt, kính mắt, khẩu trang…
- Vệ sinh mắt, mũi, họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý, các thuốc nhỏ mắt, nhỏ mũi thông thường.
- Sử dụng xà phòng hoặc các chất sát khuẩn thông thường sát trùng các đồ dùng, vật dụng của người bệnh.
- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi bị bệnh đau mắt đỏ.
- Người bệnh hoặc người nghi bị đau mắt đỏ cần hạn chế tiếp xúc với người khác và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, điều trị kịp thời. Không tự ý điều trị khi chưa có hướng dẫn của cán bộ y tế.